Chuyên gia phân tích những sai lầm “chết người” khi sử dụng dầu ăn

Đăng lúc: 27/08/2020 3:23 pm

Theo nhận định của Kelly LeVeque, một sai lầm “chết người” mà rất nhiều người mắc phải là cho dầu vào nồi rồi chờ tới khi dầu ăn sôi và bốc khói mới cho thức ăn vào chế biến. Nhiệt độ cao không những làm ảnh hưởng, phá vỡ chất dinh dưỡng có trong dầu ăn mà còn sản sinh ra các chất độc là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh ung thư.

Chuyên gia ẩm thực người Úc sẽ chỉ ra những hiểu lầm tai hại về việc sử dụng dầu ăn sai cách mà đại đa số các bà nội trợ Việt Nam mắc phải.

Phát hoảng vì sử dụng dầu ăn sai cách

Trong một cuộc hội thảo về thực phẩm và dinh dưỡng được Viện nghiên cứu Nazan (Úc) tổ chức tại TP. HCM, phóng viên có cơ hội tiếp xúc với Kelly LeVeque, cô gái 32 tuổi đến từ đất nước của những chú chuột túi. Rất khó để tìm một từ thích hợp trong tiếng Việt để miêu tả về công việc của Kelly LeVeque bởi cô là người đam mê du lịch, thường đến những miền đất mới, tìm hiểu về văn hóa ẩm thực địa phương và đưa ra các nhận xét đến cộng đồng yêu thích ăn uống trên toàn thế giới.

Cô sở hữu cái nhìn đa dạng về nhiều nền văn hóa ẩm thực, cũng như luôn đưa những nhận định hết sức khách quan dựa trên quan điểm của một người từng trải. Đồng thời, Kelly LeVeque cũng biết cách đem đến những lời khuyên hữu ích cho cộng đồng.

Sau cuộc dạo chơi qua chợ Đông Ba, chợ An Cựu và chợ Vỹ Dạ (có thể coi là một cuộc khảo sát nhỏ về đời sống ẩm thực tại Việt Nam), Kelly LeVeque chia sẻ: “Tôi phải thừa nhận rằng, dù đã được biết trước thông qua internet, tôi vẫn bất ngờ trước sự lạm dụng dầu ăn trong chế biến thực phẩm của các đầu bếp Việt Nam.

Tôi đang muốn nói đến vấn đề kiến thức của người dùng, cũng như mức độ tôn trọng cần thiết đối với sức khỏe. Vì tiếc rẻ dầu ăn mà nhiều người thường có thói quen giữ lại dầu ăn, rồi chiên đi chiên lại nhiều lần (tôi từng thấy điều tương tự ở Ấn Độ và Trung Quốc, song, hiện nay, họ cũng đã thay đổi nhiều)”.

Việc sử dụng dầu ăn sai cách sẽ gây ra tác hại nguy hiểm đối với sức khỏe. Vị chuyên gia ẩm thực này nhấn mạnh: “Cách làm này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe. Việc chiên đi chiên lại sẽ làm giảm giá trị của dầu, phá hủy các vitamin. Hơn nữa, khi nấu ở nhiệt độ cao trong thời gian dài, dầu ăn rất dễ sản sinh ra transfat – một chất có hại cho sức khỏe, aldehyde, fatty acid oxide…

Kelly LeVeque là một chuyên gia ẩm thực người Úc. Cô đã trải nghiệm văn hóa ẩm thực của rất nhiều quốc gia

Không chỉ vậy, những chất này khi đi vào cơ thể sẽ phá hủy các men tiêu hóa, gây khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy, các bệnh lý tim mạch, ung thư… Tôi có lời khuyên rằng, khi nấu ăn, các bà nội trợ cần cân đối lượng dầu mỡ phù hợp tránh lãng phí và không dùng lại dầu, mỡ thừa”.

Theo nhận định của Kelly LeVeque, một sai lầm “chết người” mà rất nhiều người mắc phải là cho dầu vào nồi rồi chờ tới khi dầu ăn sôi và bốc khói mới cho thức ăn vào chế biến. Nhiệt độ cao không những làm ảnh hưởng, phá vỡ chất dinh dưỡng có trong dầu ăn mà còn sản sinh ra các chất độc là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh ung thư.

Cô gái 32 tuổi nhấn mạnh: “Ở Úc, tôi được tiếp xúc với nhiều nhà khoa học dinh dưỡng hàng đầu và họ đều cho rằng, dầu ăn khi đun nóng trên 180 độ C sẽ bị biến chất, sinh ra các chất độc hại. Cụ thể, khi đó, các axit béo trong dầu thực vật sẽ bị rối loạn cấu trúc tế bào, có thể gây đột biến gen. Chúng có thể tạo ra các amin sinh vật dẫn đến nguy cơ gây ung thư, đặc biệt là ung thư trực tràng, ung thư gan, phổi, vú.

Ngoài ra, chúng còn có nguy cơ làm giảm miễn dịch của cơ thể do làm dư thừa lipid… Để an toàn, bạn có thể để chảo hay nồi trên bếp cho tới khi nóng già rồi mới đổ dầu vào chế biến. Nhận biết nhiệt độ dầu qua cảm quan bằng cách dầu càng sôi lâu thì nhiệt độ càng tăng”.

Những hiểu lầm tai hại không phải ai cũng nhận ra

Trò chuyện với chúng tôi, Kelly LeVeque còn cung cấp khá nhiều kiến thức mới mẻ, khiến bản thân người viết ngỡ ngàng. Tỷ dụ như, cô khuyên không nên sử dụng một loại dầu ăn duy nhất trong công việc bếp núc. Kelly LeVeque phân tích: “Hiện nay, hầu như các gia đình thường chỉ dùng duy nhất một loại dầu ăn. Thật ra nên dùng nhiều loại dầu ăn để thay thế cho nhau hoặc là mỗi loại nên dùng trong một thời gian hay một mục đích chế biến nhất định. Việc thay đổi thường xuyên như vậy sẽ rất có lợi cho cơ thể.

Vì mỗi loại dầu ăn có giới hạn chịu nhiệt không giống nhau và cung cấp những chất cần thiết khác nhau cho cơ thể. Do vậy trong căn bếp của mỗi gia đình nên có ít nhất 2 loại dầu. Một loại phù hợp cho chiên, rán như các loại dầu cooking vì có khả năng chịu được nhiệt độ cao. Còn một loại chỉ dùng để sử dụng cho những món ăn xào, ướp thực phẩm, ăn sống trực tiếp, làm salad, gỏi như các loại dầu như hướng dương, đậu nành, hạt cải, ô-liu… hấp thu tốt các vitamin A, D, E, K có trong thực phẩm, bổ sung các acid béo thiết yếu và tăng vị ngon cho thức ăn”.

Sử dụng dầu ăn sai cách, dầu đóng cặn sau quá trình chiên rán có thể gây ung thư

Kelly LeVeque đặt vấn đề: “Hầu hết, bà nội trợ nghĩ rằng dầu ăn nào cũng giống nhau, nên cứ hàng nào có khuyến mại thì mua cho tiết kiệm. Tôi không phủ nhận sự quan trọng cực kỳ của việc tính toán chi ly các khoản tiền mà bà nội trợ phải tiêu dùng – điều này đôi khi làm nên một bà nội trợ thông thái! Tuy nhiên, mặc dù dầu ăn cung cấp nhiều năng lượng nhưng thành phần dinh dưỡng của các loại dầu không giống nhau và có công dụng riêng biệt.

Chẳng hạn, dầu hướng dương chứa các chất béo không bão hòa nhiều nối đôi, đồng thời chứa nhiều vitamin E có vai trò chống lão hóa, bảo vệ các tế bào nội mạc mạch máu và khớp. Dầu đậu nành chứa hàm lượng cao các acid béo Omega 3,6,9 giúp giảm cholesterol xấu, giảm hiện tượng viêm thành mạch máu, giảm nguy cơ tăng huyết áp, đột quỵ, đặc biệt phù hợp với người lớn tuổi.

Dầu gạo chứa Gamma – Oryzanol và Phytosterol là những dưỡng chất chống ô-xy hóa hiệu quả hàng đầu, giúp làm chậm quá trình lão hóa của các tế bào… Dầu olive là đỉnh cao của dầu ăn mà thế giới đã công nhận, còn dầu hạt cải lại là đặc sản tuyệt vời của nước Úc. Khi lựa chọn dầu ăn, nếu quan tâm đến sức khỏe, nhất thiết phải chú ý đến thành phần của dầu để có quyết định phù hợp”.

Nói đến vấn đề sức khỏe, Kelly LeVeque cho rằng, không phải những người mang bệnh trong cơ thể là tránh xa dầu ăn. Cô nói: “Với những người mỡ trong máu cao hay trọng lượng hơi quá thì việc dùng dầu ăn không phải là nhân tố quyết định khiến bệnh trầm trọng thêm. Cách tốt nhất với những người có bệnh không phải tuyệt đối không dùng dầu ăn mà nên ưu tiên các loại dầu thực vật cũng như kiểm soát lượng axit béo nạp vào cơ thể mỗi ngày”.

Kelly LeVeque cũng chia sẻ một số bí quyết để sử dụng dầu ăn đúng cách, tốt cho sức khỏe. Cụ thể, cô cho rằng, bà nội trợ nên tuân thủ một số những bí quyết dưới đây để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình. Thứ nhất, không nên sử dụng chảo chống dính giá rẻ mà thay vào đó là các loại chảo đắt tiền một chút, có thương hiệu rõ ràng sẽ giúp bạn giảm lượng dầu ăn trong mỗi lần nấu mà vẫn không lo bị dính chảo.

Thứ hai, hạn chế dùng nhiệt độ cao trong quá trình chiên rán. Dùng lửa nhỏ để chiên rán tuy sẽ khiến cho món ăn kém giòn nhưng sẽ giúp thực phẩm được chín từ bên trong, giữ nguyên được vị ngọt và khi ăn không bị khô. Đồng thời, hãy thay thế các món chiên, rán bằng luộc, nấu, hấp sẽ rất tốt cho sức khỏe của bạn. “Nếu gia đình bạn muốn ăn đồ chiên rán, hãy chọn dầu ăn một cách thông minh” – Kelly LeVeque tư vấn.

Theo Tuoitredoisong.net

Bình luận của bạn

Bài viết cùng chủ đề